Trang

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Đỉnh Fanxipan sẽ thành "biểu tượng thất truyền"?


Có lẽ một tương lai không xa, biểu tượng tinh thần ấy sẽ có nguy cơ "thất truyền", khi người ta đã quyết định xây hẳn một cái "xe" kéo tất cả mọi người lên tham quan đỉnh núi cao nhất Việt Nam này.
LTSDự án xây dựng cáp treo lên đỉnh Fanxipan mới đây đã được UBND tỉnh Lào Cai thông qua trong buổi công bố Quy hoạch du lịch Lào Cai giai đoạn đến năm 2030[1]. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu góc nhìn của một người trẻ, hiện đang là du học sinh chuyên ngành du lịch, về vấn đề này nói riêng và việc phát triển du lịch Việt Nam nói chung.
Dạo một vòng trên các diễn đàn dành cho giới trẻ Việt Nam hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận ra cụm từ "Leo Phan" luôn là một chủ đề khá "hot".
Fanxipan không đơn giản chỉ là ngọn núi cao nhất Đông Dương như một bài học địa lý. Fanxipan còn là một biểu tượng của lòng quyết tâm, sự dũng cảm mà những ai từng chinh phục được sẽ tự hào khi nghĩ về, và những người chưa được đặt chân lên thì càng thêm khát khao...
Nhưng có lẽ một tương lai không xa, biểu tượng tinh thần ấy sẽ có nguy cơ "thất truyền", khi người ta đã quyết định xây hẳn một cái "xe" kéo tất cả mọi người lên tham quan đỉnh núi cao nhất Việt Nam này.
Rồi ai cũng sẽ được thấy Fanxipan hình hài ra sao, chỉ có điều thế hệ thanh niên Việt Nam trong tương lai hẳn sẽ mất đi một biểu tượng để hướng đến, để chinh phục...
Đi ngược xu hướng phát triển du lịch thế giới
Kế hoạch xây dựng cáp treo lên đỉnh Fanxipan vừa mới được UBND tỉnh Lào Cai thông qua ngày 9/4 trong buổi công bố Quy hoạch du lịch Lào Cai giai đoạn đến năm 2030.
Liên tưởng đầu tiên của tôi khi đọc thông tin này là sự kiện cách đây vài năm, thành phố Đà Nẵng đặt một thang máy hiện đại tại Ngũ Hành Sơn. Đã có những ý kiến phản ứng về quyết định "góp phần thuận lợi hóa việc tham quan của khách" mà "giết chết cảnh quan" này.
Tuy nhiên, với thang máy của Đà Nẵng, còn có thể lý giải là để phục vụ những người lớn tuổi, không đủ sức leo hàng trăm bậc thang lên vãn cảnh chùa. Còn với cáp treo của Lào Cai, chắc chắn những nhà làm du lịch của địa phương đủ biết rằng sẽ không một người cao tuổi hay sức khỏe kém nào mạo hiểm đặt chân lên độ cao 3143m ấy, nơi ngay cả những người khỏe mạnh cũng cảm thấy khó chịu về độ loãng không khí. Hơn nữa, đỉnh Fanxipan cũng không có một ngôi chùa hay điểm tham quan nào ngoài một cột mốc đánh dấu độ cao mang ý nghĩa tinh thần là chủ yếu. Vậy thì lý do là ở đâu?
Hoàng hôn trên đỉnh Fanxipan. Ảnh: vnphoto.net
Có 2 vấn đề phải nghĩ đến đầu tiên khi đề cập đến quy hoạch một điểm du lịch: Một là những lợi ích có thể mang lại của dự án đó; và hai là tác động của dự án đến cảnh quan và môi trường.
Xét đến mặt lợi ích, chắc hẳn các nhà làm du lịch địa phương đã tính đến nguồn lợi từ tiền bán vé cáp treo. Con số ấy theo tính toán có lẽ sẽ vượt qua số tiền mà những nhà leo núi trả cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn hiện nay. Chưa kể, đối tượng khách sẽ được mở rộng ra nhiều hơn. Cũng theo tính toán này, có lẽ cáp treo Fanxipan sẽ vượt qua cả cáp treo Bà Nà để trở thành kỉ lục Guinesse Thế giới? Rồi mai kia, người ta sẽ cho xây dựng hệ thống resort, nhà hàng trên khắp dãy Hoàng Liên Sơn phục vụ du khách?!
Tuy nhiên, với cách làm này, dường như các nhà quy hoạch dự án đang tự đặt mình ra ngoài xu hướng phát triển chung của du lịch thế giới. Bởi theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, giai đoạn tới đây sẽ là thời kỳ của du lịch mạo hiểm và những loại hình du lịch hiểu "nôm na" là gắn liền với giá trị nguyên bản của điểm đến.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, quan sát các dự án quy hoạch du lịch của các địa phương, không khó nhận ra chúng ta đang quay về thời kì đầu của lịch sử phát triển du lịch thế giới: du lịch đám đông. Loại hình du lịch này đặc biệt phát triển ở các nước châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp những năm 1960, thời sơ khai của ngành công nghiệp du lịch khi người ta cố gắng mang được càng nhiều du khách ra khỏi nhà và đến cùng một địa điểm trong các kì nghỉ lễ càng tốt. Thông thường, những điểm đến lúc bấy giờ là biển, đây cũng là lí do tại sao biển luôn được nhắc đến trong các khái niệm về du lịch đám đông.
Còn hiện tại, thế giới đang hướng đến thúc đẩy sự phát triển một nền du lịch bền vững với mục tiêu không chỉ tạo ra doanh thu mà còn phải bảo đảm sự phát triển bền vững của các yếu tố xung quanh như môi trường, đời sống dân sinh, phong tục tập quán... Thậm chí, tại Pháp, tổng cục du lịch nước này còn khuyến khích các nhà tổ chức du lịch tham gia một cam kết có tên là "Tourisme et Ethique", yêu cầu họ phải tôn trọng môi trường, văn hóa và phong tục tập quán của quốc gia mà họ đưa khách đến viếng thăm.
Trở lại với dự án cáp treo Fanxipan, ngoài những lợi ích vật chất thu được, có thể là rất lớn trong giai đoạn đầu của dự án, nhờ đánh vào trí tò mò của người Việt (ai cũng muốn xem "mặt mũi" Fanxipan ra sao), thì sau đó du lịch Việt Nam, mà cụ thể là du lịch Lào Cai - Sapa sẽ nhận được gì?
Hãy tưởng tượng cảnh quan Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn sẽ ra sao với sự ra đời của hệ thống cáp treo này? Chúng ta sẽ đốn bỏ những rừng trúc vốn làm nên tên tuổi của tuyến trekking Fanxipan cho một nhà ga cáp treo và tổ hợp dịch vụ đi kèm? Một dự án cáp treo thân thiện với môi trường ư? Phải chăng đó chỉ là một lời biện minh quen thuộc trong các dự án quy hoạch du lịch ở Việt Nam?
Chắc chúng ta còn nhớ bài học về việc xây dựng cáp treo ở vịnh Nha Trang tác động thế nào đến cảnh quan của 1 trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới này?
Lãng quên xây dựng thương hiệu riêng
Không khó nhận ra một xu hướng quy hoạch du lịch của các địa phương Việt Nam là cố gắng tận dụng mọi tài nguyên địa phương để xây dựng sản phẩm du lịch và phát triển sao cho thu hút tối đa đầu tư từ bên ngoài. Đó là lý do tại sao xảy ra tình trạng một địa phương vốn nổi tiếng với những nét văn hóa cung đình đặc sắc đã được công nhận di sản lại định hướng phát triển du lịch sinh thái, hay một địa phương ven biển lại cố gắng phát triển du lịch văn hóa, du lịch núi.
Đa dạng hóa loại hình du lịch hay sản phẩm du lịch là cần thiết. Nhưng dường như chúng ta đang quá sa đà mà quên đi cái quan trọng hơn cả là định hướng phát triển có mục tiêu cho du lịch địa phương. Cũng như doanh nghiệp, một địa phương muốn phát triển du lịch cũng cần tạo ra thương hiệu riêng, gắn liền với sản phẩm đặc trưng của địa phương. Có vẻ ngành du lịch Việt Nam đang quên mất điều này.
Lấy ví dụ, sẽ ra sao nếu người ta quyết định phát triển Paris hoa lệ thành một trung tâm vui chơi giải trí vào bậc nhất thế giới bên cạnh du lịch văn hóa? Chắc chắn người Pháp không dại gì làm vậy, bởi lẽ, du khách đến với Paris là vì đây là một điểm đến văn hóa và nghệ thuật.
Tháp Eifel nổi tiếng của nước Pháp
Đó là chưa kể, người Pháp không làm du lịch theo cách cục bộ địa phương. Họ liên kết phát triển du lịch cho một vùng. Truy cập vào trang web của một văn phòng du lịch địa phương, du khách sẽ không chỉ tìm thấy thông tin về tỉnh thành họ muốn đến mà còn cả những thông tin, ý tưởng cho việc tham quan những thành phố láng giềng.
Có vẻ điều này còn quá hiếm gặp ở Việt Nam, khi mà địa phương nào cũng chỉ cố phát triển cho riêng mình. Mỗi thành phố là một thành trì, phát triển một cách cục bộ, dù cho Tổng cục Du lịch hàng năm vẫn đưa ra đề án phát triển du lịch vùng.
Trở lại đề án phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai, bên cạnh dự án cáp treo Fanxipan, UBND tỉnh Lào Cai còn có kế hoạch phát triển Sapa thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng với đề xuất xây dựng một sân golf tại đó.
Với tôi, ý tưởng xây sân golf ở Sapa chẳng khác nào ý tưởng xây casino dưới chân tháp Eiffel! Nếu làm một điều tra nho nhỏ về lý do du khách đến Sapa, tôi tin hơn 2/3 trả lời là để tìm hiểu nét văn hóa của cộng đồng dân tộc bản địa hoặc khám phá thiên nhiên miền núi Việt Nam. Chắc chắn sẽ chẳng có mấy người chọn Sapa để ... đánh golf. Bởi nếu muốn nghỉ dưỡng, tôi sẽ chọn Tam Đảo.
Phải chăng, nguồn lợi trước mắt của những loại hình du lịch, tạm gọi là du lịch "hạng sang" này khiến các nhà làm du lịch địa phương không muốn phát triển dựa trên nguồn tài nguyên đặc sắc nhất của mình? Phải chăng, Tổng Cục Du Lịch đang "thả nổi" cho các địa phương tự phát triển theo định hướng riêng. Và rồi kết quả là gì? Có bao nhiêu tỉnh thành ở Việt Nam có thể trả lời được sản phẩm đặc trưng của họ là gì?
Có một câu hỏi mà bất cứ ai đang tâm huyết với ngành du lịch Việt Nam đều đã từng tự hỏi bản thân: Tại sao chúng ta có thể xem là giàu tài nguyên du lịch hơn Thái Lan, nhưng ngành du lịch nước ta đang ở đâu so với nước bạn?
Để kết lại bài viết, tôi xin trích câu trả lời của một người bạn Pháp rằng cô ấy thấy du lịch Việt Nam và Thái Lan thế nào. Câu trả lời là: Nếu là một người đi khám phá thế giới, tôi sẽ thích đến Việt Nam hơn. Còn nếu là một du khách, tôi sẽ chọn Thái Lan. Tại sao ư? Vì ở Thái Lan, khi đến Bangkok tôi biết tôi đang tham quan Bangkok, đến Phuket tôi biết tôi đang tắm biển Phukhet. Không phải như ở Việt Nam...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu không muốn hiện thông tin cá nhân, Bạn có thể chọn "Nhận xét với tư cách Ẩn danh"

Bài đăng Cũ hơn:

Bài đăng Mới hơn: