Trang

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

4 món "phụ gia" cần thiết (nhưng ít người để ý) để nói tiếng Anh trôi chảy


Menu phụ gia:


Món phụ gia thứ nhất: Sử dụng nhuần nhuyễn các giới từ: to, in, out, into, there, at, by, on, down there, up here, about, above, across, after, against, along, among, around…

Hầu hết người học tiếng Anh đều đã từng học qua các giới từ. Nhưng ít người biết giới từ là một trong những “nút cổ chai” quan trọng cản trở việc nói tiếng Anh trôi chảy. Thường thì mọi người ít chú ý đến chúng. Ngoài ra các giáo trình tiếng Anh thường không dành nhiều thời gian cho việc luyện tập các giới từ. Trong khi đó giới từ lại có mặt ở khắp mọi nơi trong các đoạn hội thoại. Hãy thử kiểm tra trên www.wordcount.org/main.php (một trang web xếp hạng mức độ phổ biến của các từ vựng trong tiếng Anh) về mức độ xuất hiện của những giới từ trong tiếng Anh, bạn sẽ thấy:
- IN xếp thứ 6
- OUT xếp thứ 65
- TO xếp thứ 4
- INTO xếp thứ 61
- THERE xếp thứ 35
- …
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thường xuyên phải dùng đến các từ vựng này trong bất kỳ tình huống hội thoại nào mà bạn lại không sử dụng chúng một cách nhuần nhuyễn? Lẽ dĩ nhiên là khi ấy bạn không thể nói tiếng Anh tốt được.

Trước đây khi còn đi học, tôi phát hiện ra điều này khi tham gia một lớp học khiêu vũ do một giáo viên người Mỹ hướng dẫn. Tôi và một cô bạn cùng lớp (người nước ngoài) tập luyện cho bài biểu diễn trước lớp. Mặc dù vào thời điểm đó tiếng Anh của tôi đã khá tốt, tôi rất ngạc nhiên khi thấy mình vô cùng lúng túng khi trao đổi với cô bạn về các động tác của bài nhảy. Tôi rất khó khăn để mô tả các động tác như: “chân trái thu vào trong, chân phải duỗi ra ngoài, hai tay vòng lên trên đầu…”. Ngay khi nhận ra vấn đề của mình, tôi về nhà nghiên cứu, tập luyện và khắc phục sự lóng ngóng của mình với các giới từ. Điều thú vị là sau khi sử dụng thạo những giới từ này thì khả năng nói tiếng Anh của tôi được cải thiện rõ rệt.

Một trong những mẹo đơn giản và nhanh chóng để luyện tập giới từ là tìm đọc các bài viết và xem các video hướng dẫn có nội dung liên quan đến các chủ đề như: các bài tập thể dục, các bài học nhảy, các bài hướng dẫn bạn thao tác một cái gì đó (như gấp giấy Nhật Bản chẳng hạn). Các bài hướng dẫn này chắc chắn phải sử dụng rất nhiều giới từ, mặt khác chúng lại trực quan sinh động nên có thể giúp bạn nắm bắt rất nhanh cách dùng. Ngay sau khi bạn đọc hoặc xem các hướng dẫn, hãy tự mình luyện tập bằng cách nói (hướng dẫn) lại bài đó cho người khác nghe. Tất nhiên bạn không cần thiết phải thực sự có một ai đó bên cạnh, hướng dẫn cho một con mèo (hay một chú gấu bông :) )cũng đem lại hiệu quả tương tự, và đó là cách tôi thường làm trước đây.

Món phụ gia thứ hai: Tập trò chơi tung hứng với các trợ động từ

Tiếng Việt có một điểm chung so với các ngôn ngữ khác ở khu vực Đông Nam Á cũng như Trung Quốc, đó là ngôn ngữ thuộc dạng đơn lập (isolating language). Có nghĩa là ngữ pháp tiếng Việt phụ thuộc vào thứ tự sắp xếp các từ và cấu trúc câu chứ không dựa vào sự thay đổi “dạng” (form) của từ. Trái lại, phần lớn các ngôn ngữ phương Tây, trong đó có tiếng Anh, lại có ngữ pháp dựa vào sự thay đổi hình thái của từ (morphology). Đặc điểm này khiến một người Mỹ học nói tiếng Pháp hoặc tiếng Italy có vẻ thuận lợi hơn một chút so với người Việt khi học tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Tương tự như vậy, người Việt khi học nói tiếng Trung lại có vẻ dễ dàng hơn so với người Mỹ muốn học thứ ngôn ngữ Châu Á này.

Việc có khá nhiều trợ động từ khác nhau kèm theo sự phức tạp trong cách sử dụng trợ động từ trong tiếng Anh làm chúng ta bị lúng túng và chậm chạp khi nói.

Nếu để ý bạn sẽ thấy tiếng Việt của chúng ta hầu như rất ít trợ động từ. Cho dù chúng ta vẫn có trợ động từ thì vai trò của chúng khá mờ nhạt và trong nhiều trường hợp là không bắt buộc đối với hội thoại hàng ngày.

Ví dụ: với trợ động từ “
  • Trong tiếng Việt: (Câu hỏi) Cậu muốn học tiếng Anh không? – (Trả lời) Tôi (muốn học tiếng Anh)
  • Trong tiếng Anh sẽ là: (Câu hỏi) Do you want to learn English? – (Trả lời) Yes, I do.

Có 3 khác biệt cơ bản giữa việc sử dụng trợ động từ trong tiếng Anh và tiếng Việt. Điều này khiến chúng ta cảm thấy rất “lóng ngóng” khi sử dụng trợ động từ khi nói tiếng Anh:

Sự khác biệt thứ nhất, trong tiếng Việt nhiều khi chúng ta bỏ trợ động từ trong giao tiếp hàng ngày. Chẳng hạn trong ví dụ trên chúng ta có thể nói: “Cậu muốn học tiếng Anh không? – (Trả lời) Tôi muốn”. Việc bỏ trợ động từ “” hầu như không ảnh hưởng đến ngữ nghĩa và ngữ pháp của hội thoại này. Trái lại, người Anh/Mỹ ít khi bỏ trợ động từ, đặc biệt là trong câu hỏi. Một ví dụ khác: “Did you do your homework?” Câu này trong tiếng Việt sẽ là: “Cậu đã làm bài tập chưa?”. Trợ động từ ở đây là “đã”. Tương tự như trên, nhiều khi chúng ta cũng bỏ trợ động từ “đã” trong hội thoại hàng ngày và câu trên trở thành “Cậu làm bài tập chưa?”

Như ta thấy, vai trò của trợ động từ trong tiếng Việt khá mờ nhạt trong khi việc sử dụng đúng trợ động từ lại quan trọng đối với tiếng Anh.

Sự khác biệt thứ hai, cấu trúc cú pháp của tiếng Anh thường đảo trợ động từ lên đầu câu hỏi trong khi tiếng Việt của chúng ta không làm như vậy. Chúng ta không nói là “Đã cậu làm bài tập chưa?” mà vẫn giữ nguyên thứ tự “Cậu đã làm bài tập” và thêm từ “chưa” để diễn đạt câu hỏi.

Sự khác biệt về cách sắp xếp trật tự từ trong ngôn ngữ phương Tây làm bộ não của chúng ta bị lúng túng khi sắp xếp các từ để tạo thành câu.

Sự khác biệt thứ ba, tiếng Anh chia trợ động từ ở các dạng khác nhau khi dùng với các ngôi khác nhau của đại từ. Ví dụ: ở thì hiện tại He, she, it dùng với does còn I, we, you lại dùng với do. Trong khi tiếng Việt thì không cần phải chia gì cả. Đây lại là một khác biệt nữa khiến chúng ta “vướng víu” hơn khi nói tiếng Anh.

Ngoài những khác biệt kể trên thì chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng trong khi trợ động từ ở tiếng Việt khá ít, cách sử dụng đơn giản và không bắt buộc thì tiếng Anh lại có một loạt khá nhiều các loại trợ động từ khác nhau như: do, be, have, will, would, could, can, may… Các trợ động từ này lại có các biến thể khác nhau khi sử dụng ở các thì (thời) và với các ngôi khác nhau.

Trong quá trình tập nói tiếng Anh của bản thân tôi và khi hướng dẫn các bạn bè và học viên của mình, tôi nhận thấy rằng sự lúng túng trong việc sử dụng các trợ động từ chính là một trong những “nút cổ chai” khiến việc diễn đạt bằng tiếng Anh của người học không được trôi chảy như ý muốn.

Giải pháp duy nhất ở đây là bạn phải tập trung dành một khoảng thời gian để luyện tập với các trợ động từ này sao cho bạn có thể tung hứng với chúng một cách nhuần nhuyễn.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng chỉ riêng việc sử dụng thành thạo các trợ động từ cũng đã đem đến thay đổi đáng kể trong kỹ năng nói tiếng Anh của bạn rồi. Cho dù các trợ động từ trong tiếng Anh có nhiều hơn trong tiếng Việt thì chúng cũng chỉ giới hạn xung quanh một số trợ động từ kể trên với vài biến thể khác nhau cho những trợ động từ do, have, be. Do vậy chỉ cần dành một chút thời gian để ý đến chúng mỗi khi tập nói là bạn sẽ nhanh chóng làm quen với chúng thôi. Dưới đây là 2 thủ thuật giúp bạn nhanh chóng làm quen với trợ động từ của tiếng Anh.

Thủ thuật thứ nhất: Sử dụng câu hỏi đuôi. Bạn hãy tích cực sử dụng câu hỏi đuôi khi thực hành nói tiếng Anh. Bao gồm cả câu hỏi đuôi ở 2 dạng khẳng định và phủ định. Chẳng hạn thay vì chỉ nói: “He loves her”, bạn hãy nói: “He loves her, doesn’t he?” (anh ấy yêu cô ấy, phải không?). Hoặc thay vì: “He didn’t want to go there”, thì hãy nói: “He didn’t want to go there, did he?” Việc dùng các câu hỏi đuôi như vậy gần như không làm thay đổi ý nghĩa của câu nói nhưng lại giúp bạn liên tục tiếp xúc với các trợ động từ ở các dạng (form) khác nhau. Do vậy chỉ sau một thời gian ngắn là bạn đã có thể làm quen với chúng.

Thủ thuật thứ hai:Nhắc lại trợ động từ khi trả lời câu hỏi. Hầu hết người Việt chúng ta khi trả lời câu hỏi dạng yes/no (yes/no question) thường chỉ nói Yes! hoặc No! mà không nói đầy đủ “Yes, I do” hay “No, I don’t” (đối với câu hỏi “Do you”). Có lẽ là do chúng ta không mấy khi trả lời “dài dòng” theo kiểu “vâng, tôi có…” hay “không, tôi không…” khi dùng tiếng Việt. Để nhanh chóng làm quen với trợ động từ bạn hãy thay đổi cách trả lời vắn tắt “yes” hoặc “no” thành cách trả lời theo kiểu “I do” hoặc “I don’t”.

Ví dụ: khi được hỏi “Have you done your homework?”, bạn hãy trả lời: “I have” hoặc “I haven’t”.

Hoặc khi được hỏi: “Could you please make this payment soon?”, (anh/chị có thể vui lòng thanh toán món này sớm được không ạ?) thay vì trả lời “yes” hay “no” bạn hãy trả lời “I will” hay “I won’t”.

Đây là 2 cách làm đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm giúp bộ não của bạn thích nghi với cách sắp xếp trật tự từ của tiếng Anh.


Món phụ gia thứ ba: Tận dụng sức mạnh của what, when, where, why, which, that, who…để đơn giản hóa những câu phức tạp.

Một trong những “nút thắt” quan trọng khác của người tập nói tiếng Anh đó là sự lúng túng khi họ muốn diễn đạt một câu phức tạp hơn.

Ví dụ:
Sẽ là khá đơn giản khi bạn muốn nói diễn đạt câu: thầy giáo đã dạy tôi những kiến thức bổ ích – My teacher taught me useful knowledge.
Nhưng có thể bạn sẽ lúng túng hơn khi muốn diễn đạt ý: Thầy giáo đã dạy tôi kiến thức bổ ích hơn so với kiến thức bạn đọc trong sách giáo khoa. Thông thường người học sẽ cố gắng diễn đạt theo những cách sau:
The teacher taught me useful knowledge. It was more useful than the knowledge that you got from the text book.
hoặc
The teacher taught me useful knowledge which was more useful than the knowledge that you got from the text book.

Các cách diễn đạt trên khá dài dòng dễ làm câu nói của bạn bị lủng củng. Nếu bạn sử dụng thành thạo “what” trong trường hợp này thì bạn có thể diễn đạt như sau: what the teacher taught me was better than what you got from the book. Cách nói này không những ngắn gọn hơn mà còn có thể dùng kể cả khi bạn không nhớ được từ “knowledge”.

Những từ thường được dùng trong tiếng Anh theo kiểu này bao gồm: what, when, where, why, which, that, who.
Ngoài ra những danh từ như: one (chỉ người hoặc vật), thing (danh từ chỉ vật) cũng cực kỳ hữu ích giúp bạn nói lưu loát.

Ví dụ:
The one you mentioned yesterday gave me this thing. (Nhân vật mà cậu đề cập hôm qua đã đưa tôi cái này)

Những đại từ và danh từ dùng để thay thế kiểu này không nhiều, bạn hãy chịu khó bỏ thời gian nghiên cứu cách dùng và luyện tập với chúng. Kỹ năng nói của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.

Món phụ gia thứ tư: Sử dụng các từ (cụm từ) đệm để kéo dài thời gian

Khi tôi hướng dẫn đến đây chắc hẳn sẽ có một số giáo viên dạy ngoại ngữ phản đối. Tuy nhiên dùng nó hay không là tùy bạn, và thực tế là mọi người đều vẫn đã, đang, và sẽ tiếp tục sử dụng chúng trong hội thoại hàng ngày với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, dù là người Anh/Mỹ hay người Việt. Đó là những cụm từ như: vấn đề ở đây là, cá nhân tôi cho rằng, điểm mấu chốt là, nói chung thì… và hàng loạt các loại rằng, thì, mà, là… khác.

Có lẽ ít người để ý tại sao chúng ta lại hay sử dụng những cụm từ kiểu này, mặc dù về mặt ngữ nghĩa chúng hầu như không có giá trị gì. Sở dĩ mọi người dùng chúng là vì trong khi nói, dù bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, đôi lúc chúng ta vẫn cần thêm thời gian để lựa chọn ngôn từ. Khi ấy các cụm từ kể trên là công cụ đắc lực giúp người nói có thêm một vài giây để suy nghĩ. Nói theo cách hiện đại là “câu giờ”. Cách “câu giờ” này ít ra thì cũng còn hay hơn nhiều so với việc bạn cứ “à, ờ, ừm…“. Nếu bản thân những người Anh, người Mỹ cũng phải viện đến chúng để “câu giờ” thì tại sao chúng ta lại không nhỉ? Các cụm từ sau sẽ giúp bạn thoải mái, tự tin và thậm chí đôi lúc tỏ ra “sành điệu” hơn khi nói tiếng Anh:

- it’s like...- kiểu như là…
- The thing is… - vấn đề là…
- The bottom line here is… - điểm mấu chốt ở đây là…
- You know… - Cậu biết đấy…
- To be frank… - Nói thật là…
- In general.. – Nói chung thì…
- …

Nhất thời tôi chỉ nhớ một vài cụm từ phổ biến, còn lại bạn tự tìm hiểu thêm nhé.
Tuy nhiên cái gì cũng không nên bị lạm dụng quá. Tôi từng biết một cô bạn liên tục đệm “you know” khi nói tiếng Anh, và tất nhiên việc lặp lại cụm từ đệm quá nhiều có thể gây khó chịu cho người nghe. Khi bạn nói ngày càng trôi chảy hơn, hãy chủ động tiết chế việc sử dụng các cụm từ đệm này.




Hung Quang Pham

Tác giả, “5 Steps to Speak a New Language
www.5BuocDeNoiMotNgoaiNgu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu không muốn hiện thông tin cá nhân, Bạn có thể chọn "Nhận xét với tư cách Ẩn danh"

Bài đăng Cũ hơn:

Bài đăng Mới hơn: